Chui vào hang nơi ‘vàng tặc’ băm sông, xẻ đất
“Chỉ vừa mới đây, có đám thợ trong lúc khoét hang đã đào được nguyên một tảng vàng nặng tới 4 người khiêng”, ông Hứa nói.
Xuống hang vàng của “ vàng tặc “
Trên chuyến xe khách đường dài đi tới trung tâm của tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi tình cờ quen với một cựu chiến binh tên Phủ. Vị lính già này cho biết đang đi thăm một người đồng đội cũ đã 26 năm chưa gặp nhau. Sau khi rời khỏi quân ngũ, ông Phủ trở về làm ăn kinh doanh buôn bán dưới Hà Nội, còn người đồng đội tên Lý Văn Hứa, vốn là người dân tộc Nùng, trở về ngôi nhà của ông nằm ở khu vực xã Lam Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
Cũng vì cái sự “duyên kỳ ngộ”, lại biết tôi là phóng viên lên tìm kiếm đề tài, nên ông Phủ liền rủ chúng tôi vào thăm nhà người “bạn vàng” tên Hứa. Vì theo ông Phủ, ông Hứa là “thổ địa” ở cái nơi rừng rú này, chả có chuyện gì mà ông ấy không biết.
Vừa gặp mặt, hai người lính già như những đứa trẻ lao vào ôm chầm lấy nhau mà ôm thắm thiết, ông Hứa còn không chịu buông cứ nắm chặt lấy bàn tay đen đúa, thô ráp của ông Phủ. Đúng là với những người đã từng vào sinh ra tử, đồng cam cộng khổ cùng nhau, giữa họ thường có một sự gắn bó còn cao hơn tất cả những tình cảm thông thường.
Sau một hồi râm ran chuyện trò, ông Hứa đã bật mí cho chúng tôi hay về nạn “vàng tặc” hoành hành tại khu vực huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Không chỉ có những điểm khai thác vàng trái phép tự phát của các đầu nậu vàng thuê người dân tới làm, mà có cả những doanh nghiệp “ẩn mình” dưới danh nghĩa khai thác cát để tiến hành khai thác vàng trái phép, ăn cắp tài nguyên quốc gia, tàn phá lòng sông, phá hủy môi trường sinh thái.
Thấy chúng tôi lộ rõ vẻ háo hức muốn “mục sở thị’ những điểm khai thác vàng đó, lại phần vì nể là khách của người anh em xương máu đã 26 năm mới có dịp gặp lại, đúng 11h30, dưới cái nắng nóng như thiêu như đốt, ông Hứa dẫn chúng tôi đi vào cánh rừng rậm thuộc huyện Na Rì.
Con đường dẫn vào điểm khai thác vàng trái phép
Trên con đường lầy lội bùn đất dẫn vào điểm khai thác vàng trái phép, ông Hứa thì thầm rằng: “Trong cánh rừng này có vô số điểm khai thác vàng trái phép, những chủ khai thác thường cho mỗi điểm khoảng 5 công nhân làm việc. Tôi hay qua lại với đám thợ ở đây, biết được buổi trưa thợ hay đi xuống dưới ăn cơm, nên lúc này vào rừng mới dễ bề “ngó nghiêng”".
Lán của phu vàng được dựng phủ lên miệng hang vàng để che mắt
Từ xa xa, chúng tôi đã trông thấy những lều lán được dựng đan xen dưới những bụi cây rậm rạp, cứ ngỡ điểm khai thác vàng tự phát trong cánh rừng này sẽ phải là một khu vực cạnh lòng sông hoặc một ngọn núi nào đó. Thật không ngờ, “kho báu” của vàng tặc ở đây lại nằm dưới một lòng hang hẹp và sâu hun hút mà mới đầu nhìn người ta chỉ nghĩ đó là một khe sâu đơn thuần.
Video đang HOT
Miệng hang dẫn xuống phía dưới, nơi phu vàng tiến hành “ xẻ thịt” lòng đất khai thác vàng trái phép
Bằng cách ngụy trang tài tình, “vàng tặc” ở đây đã dựng lán ngay trên miệng hang có vàng để che mắt những người qua lại. Hàng ngày, toán thợ trong lán lần lượt chui xuống khe hang với một chiếc đèn pin được quấn trên trán để soi đường và bắt đầu công cuộc đi đãi vàng của mình.
Thử lần mò xuống hang có vàng, chúng tôi hết sức khó khăn mới chui lọt được vì lòng hang quá chật hẹp. Giờ tôi mới hiểu tại sao khi còn ở ngoài bìa rừng, tôi gặp mấy toán thợ đi từ trong rừng ra, anh nào anh nấy đều trông nhỏ người và gầy guộc, có như vậy mới dễ dàng để chui xuống được miệng hang bé con con này.
Càng đi vào sâu, lòng hang lại càng thêm mở rộng, lối đi đã có thể đứng gần thẳng hết người. Đi được chừng khoảng 300m, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước bãi khai thác vàng dưới lòng hang được thắp điện sáng choang, rải rác xung quanh là vô số những dụng cụ để đào bới và đãi vàng. Ngay ở bãi khai thác còn có một con suối ngầm chảy cắt ngang cung cấp nước cho việc khai thác vàng trái phép. Ông Hứa cho hay rằng, “vàng tặc” ở khu này rất tài hoa, họ biết dùng đường ống dẫn nước từ trên cho chảy xuống phía dưới lòng hang, chảy qua tuốc – bin để phát điện, nhờ đó mà ở sâu tít phía dưới công việc khai thác vàng trái phép vẫn có thể diễn ra mà không hề ai hay biết.
“Vàng tặc” lợi dụng sức nước lập các đường ống dẫn nước chảy qua tuốc – bin để tạo ra điện thắp sáng cho phu vàng làm việc
Về số lượng vàng khai thác trái phép tại những điểm này, không ai biết số liệu thống kê. “Chỉ vừa mới đây, có đám thợ trong lúc khoét hang đã đào được nguyên một tảng vàng nặng tới 4 người khiêng”, ông Hứa nói.
Thâm nhập nơi “vàng tặc” băm nát dòng sông
Rời khỏi điểm khai thác vàng tự phát, với sự nhiệt tình của mình, ông Hứa tiếp tục đưa chúng tôi tới khu vực mà theo ông là cả một đại công trường của “vàng tặc” với hàng loạt máy xúc, máy sàng, đãi công suất lớn hoạt động một cách ngang nhiên, lộ liễu.
Để vào được khu vực “đại bản doanh”, chúng tôi phải vượt qua những con đường quanh co khúc khuỷu, một bên là vách núi đá lởm chởm, một bên vực sâu hun hút với những góc cua rất nguy hiểm. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, khi đặt chân đến địa bàn xã Lam Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, chiếc xe máy của chúng tôi đã không thể bò thêm được nữa vì trên đường toàn những hòn đá tảng gập ghềnh. Gửi lại chiếc xe tại một nhà dân, chúng tôi men theo con đường mòn dẫn xuống dòng sông Bằng Giang.
Sông Bằng Giang ngổn ngang những đống đất đá do hoạt động khai thác vàng trái phép.
Chẳng khó khăn để chúng tôi bắt gặp cảnh hàng trăm toán thợ cùng với dụng cụ thô sơ lẫn phương tiện máy móc thi nhau tung hoành, cày xới trong một cảnh tượng nháo nhác, sông Bằng Giang cuồn cuộn ngày nào bị cày xới nham nhở, đất đá lổm nhổm như những hố bom khổng lồ chắn ngang, chắn dọc dòng nước khiến cho dòng sông trong veo trước đây trở nên đục ngầu. Không còn một mét đất nào chưa bị cày xới. Cả con suối bị lật tung lên, để lại những hố sâu hoắm xen kẽ những đống đất đá chất cao chót vót, trông tan hoang đến thảm hại.
Những dụng cụ để khai thác vàng được đặt rải rác trên bãi khai thác
Cách đó không xa là những thiết bị máy móc như máy múc, máy bơm nước, máng đãi loảng xoảng, gầm rú. Máy xúc từng gầu đất cát chuyển ra những vũng nước gần đó để xối nước. Những chiếc máy đào khổng lồ, được lắp các vòi rồng sục sâu vào dòng sông hút đất đá chuyển lên máy sàng, tiếng máy nổ ầm ầm khuấy động cả núi rừng. Những chiếc máy gắn vòi rồng như những con bạch tuộc toả ra tứ phía hoạt động hết công suất cho phép.
Tiếp cận một phu vàng tại đây, tôi hỏi vì sao không đi làm rẫy mà lại đi đào vàng, một công việc bị chính quyền cấm, chị Nông Thị M. thật thà cho biết: “Làm rẫy chẳng được bao nhiêu tiền, đói lắm. Đi làm vàng cho ông chủ sướng hơn, may mắn có khi lại vớ được cục vàng to thì tha hồ mà xây nhà, mua xe”. Về việc không tiến hành “hoàn nguyên” lấp lại các hố sau khai thác, chị M. cho hay: “Hơi đâu mà lấp, chỗ đó không có vàng nữa thì phải đi nơi khác mà tìm chứ còn ở lại lấp hố nữa thì mất thời gian lắm”. Vừa dứt lời, chị M. lại tiếp tục vục mặt xuống đào bới, sàng đãi để tìm vàng.
Tàu khai thác vàng đậu trên sông Bằng Giang
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết những phu vàng ở đây đều làm thuê cho một số doanh nghiệp lấy danh nghĩa khai thác cát sỏi để phục vụ cho người dân, một năm chỉ được khai thác 6 tháng và dừng vào mùa mưa, nhưng hiện họ vẫn đang ngang nhiên khai thác một cách bừa bãi khiến dòng Bằng Giang chảy qua khu vực này đang trở thành một dòng sông chết.
Kỳ tới: Tự thú của một trùm “vàng tặc” miền sơn cước
Kinh Vân
Theo Infonet.vn
Điểm mặt 3 công ty "xẻ thịt" đê điều tại Hà Nội
Đê điều, hành lang thoát lũ bị vi phạm nghiêm trọng và công khai trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, mức độ xử lý hầu hết chỉ dừng ở việc ra những quyết định đình chỉ, cưỡng chế trên giấy. Thực trạng lấn chiếm đê điều và vi phạm Pháp lệnh Phòng chống lụt bão ở Hà Nội đã đến mức "báo động đỏ", nhưng chính quyền địa phương vẫn không xử lý kiên quyết, để vi phạm tồn tại trong suốt nhiều năm.
Thi nhau "xẻ thịt" đê điều
Không chỉ lấn đất làm nhà, tập kết vật liệu xây dựng, đê điều Hà Nội đang bị "xẻ thịt" với mức độ vi phạm nghiêm trọng và rất ít vụ vi phạm được xử lý dứt điểm. Theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Bộ NN&PTNT, Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm (xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm) có tới 9 vụ vi phạm liên quan đến Pháp lệnh Đê điều. Mặc dù những sai phạm này xảy ra từ thời điểm năm 2004 - 2008 nhưng đến tận bây giờ, các công trình vi phạm vẫn tồn tại.
Khi đoàn kiểm tra của Bộ NN&PTNT đến kiểm tra, toàn bộ phần đất của công ty nằm hoàn toàn trên bãi sông ngoài đê hữu sông Hồng, tương ứng từ K51 800 đến K52 000, điểm gần nhất cách chân đê chính 20m, phía ngoài tiếp giáp với đê bối.
Chưa kể các công trình nhà xưởng, bãi chứa cấu kiện bê tông đúc sẵn chất thành đống, cao khoảng 5-7m và bãi tập xe cũng đang hoạt động trên đất đê điều. Kết luận cho thấy, Công ty này đã vi phạm Pháp lệnh Phòng chống lụt bão: san lấp đất tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng; xây dựng mới công trình không phép trên bãi sông; cải tạo nhà, xưởng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép; mở rộng mặt bằng trong quá trình cải tạo. Những sai phạm này đều đã bị lập biên bản đình chỉ thi công từ nhiều năm trước, thậm chí đã có nhiều quyết định cưỡng chế của UBND xã Liên Mạc nhưng không hiểu vì lý do gì, đến nay, những vi phạm đó vẫn tồn tại.
Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội đổ hàng nghìn m3 đất lấp dòng chảy sông Hồng.
Cũng trên địa bàn xã Liên Mạc, đoàn thanh tra của Bộ NN&PTNT đã kiểm tra và lập biên bản Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long vì vi phạm nhiều lần. Công ty này cũng ngang nhiên xây dựng các công trình trái phép, không phép như nhà xưởng, đổ bê tông sân nền, xây dựng mố cầu ở mép sông... gây cản trở hành lang thoát lũ. Cũng giống như Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm, vi phạm của Công ty Cổ phần Thương mại Nam Thăng Long là có hệ thống, nhiều lần và chưa được xử lý.
Điều đáng nói là chính quyền địa phương dường như đã lờ đi đề nghị của Bộ NN&PTNT yêu cầu khẩn trương thanh thải vật liệu xây dựng đang tập kết trên bãi sông cách đây 2 năm. Và hiện nay, những vi phạm ở khu vực này vẫn tồn tại, thậm chí phát sinh thêm những vi phạm mới.
Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, UBND TP Hà Nội chưa quy định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao xử lý vi phạm nên hiệu lực, hiệu quả còn hạn chế. Các hình thức xử lý vẫn chỉ mang tính hình thức, không nghiêm, không có tính răn đe. Nói cách khác, vi phạm nào cũng có rất nhiều quyết định xử phạt, cưỡng chế nhưng lại không triển khai thực hiện kiên quyết. Hầu hết các quyết định cưỡng chế chỉ xử lý vi phạm về trật tự xây dựng mà không đề cập đến vi phạm pháp luật về đê điều, phòng chống lụt bão nên làm giảm mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Bộ NN&PTNT đã đề nghị Thanh tra TP Hà Nội làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc để xảy ra vi phạm hoặc thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống lụt bão theo chỉ đạo của UBND TP. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng xem xét một số vụ vi phạm nghiêm trọng kéo dài, cố ý làm trái để xử lý theo quy định.
Một trong những điển hình về vi phạm Pháp lệnh Phòng chống lụt bão là vụ việc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã tự đổ đất, phế thải xây dựng, ngăn dòng thoát lũ của sông Hồng tại gầm cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Được UBND TP Hà Nội giao quản lý, duy trì và vận hành diện tích khu vực dưới gầm cầu Thanh Trì để sử dụng vào mục đích trông giữ xe ôtô, xe máy.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận, công ty này đã tự ý đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng ngay tại vị trí nằm trong khu vực thoát lũ. Theo kết luận của Thanh tra Bộ NN&PTNT, toàn bộ khu vực gầm cầu đã được san phẳng, đầm chặt, cao hơn mặt đê bối khoảng 2m, mặt rộng khoảng 30m (như một tuyến đập chắn ngang dòng chảy lũ).
Cách đây 1 năm, Sở NN&PTNT Hà Nội đã có văn bản số 1157/SNN-ĐĐ khẳng định không chấp thuận dự án xây dựng điểm đỗ xe khu vực gầm cầu Thanh Trì từ trụ số 31 đến trụ số 44 thuộc bãi sông Hồng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai. Việc Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội tự đổ đất, phế thải xây dựng san lấp mặt bằng là vi phạm Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão, yêu cầu Công ty này phải hoàn trả lại hành lang thoát lũ cho sông Hồng. Nhưng Công ty Khai thác điểm đỗ vẫn phớt lờ các văn bản này.
Phải "họp lên, họp xuống", thậm chí UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Thanh Trì còn thành lập tổ ứng trực chống đổ phế thải tại chân cầu Thanh Trì thì gần đây, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội mới chịu khắc phục hậu quả.
Nhiều địa phương dung túng cho vi phạm
3 vụ việc vi phạm nghiêm trọng trên chỉ là con số rất nhỏ trên tổng số các vụ vi phạm hành lang thoát lũ, lấn chiếm đê điều trên địa bàn TP Hà Nội. Từ năm 2008 đến hết quý I năm 2012, trên địa bàn thành phố xảy ra đến 1.616 vụ vi phạm, hiện đã xử lý được 741 vụ, chỉ đạt 45,85%, còn tồn đọng tới 875 vụ.
Hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm hành lang bảo vệ đê làm nhà ở, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; xẻ đê làm dốc; xây dựng lò gạch trên bãi sông, đổ đất, phế thải lấn chiếm bãi sông, lòng sông; xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ; khai thác cát không phép. Đặc biệt nghiêm trọng là các vi phạm tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng với khối lượng và chiều cao lớn trên bãi sông ảnh hưởng đến thoát lũ, ổn định bờ, bãi sông, ảnh hưởng an toàn đê điều; xe quá tải trọng cho phép đi trên đê xảy ra ở hầu khắp các tuyến đê của thành phố làm hư hỏng mặt, thân đê; đổ đất, phế thải san lấp mặt bằng lấn chiếm bãi sông, lòng sông.
Những địa bàn có nhiều vụ vi phạm là các quận, huyện, thị xã như Ứng Hoà, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Sơn Tây, Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên vẫn còn tới 20 lò gạch và bãi tập kết cát sỏi trên bãi sông Hồng...
Theo CAND
Lách luật để "xẻ thịt" động vật hoang dã Việt Nam đang bị thẻ đỏ đối với hoạt động bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt nghiêm trọng là vấn đề lách luật Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa công bố báo cáo đánh giá hiện trạng của các quốc gia về tuân thủ và thực thi các cam kết CITES (Công ước về buôn bán quốc tế...











Tiêu điểm
Tin đang nóng
Tin mới nhất

Vụ 3 mẹ con tử vong trong nhà: Mẹ đến nhà trẻ đón 2 con về sớm

Vụ BVĐK Nam Định bị cáo buộc 'mất y đức', không ai nhận sai, CĐM nói thẳng 1 câu

Ba mẹ con tử vong trong căn nhà khóa cửa

Em bé trong vụ "nộp đủ tiền mới cấp cứu" đã tự thở, tri giác tốt

Tìm thấy thi thể bé trai 12 tuổi mất tích hơn 2 ngày

Đàn voi rừng đi trên đường ven hồ Trị An: 1 voi con lọt giếng chết

Phẫn nộ trước clip 1 phụ nữ xúc phạm thậm tệ shipper giao hàng

Chạy "mất dép" khi xem hoả pháo súng thần công

TP HCM: Sà lan mất lái tông tàu biển, một người mất tích

Thanh Hóa xử phạt 845 trường hợp vi phạm giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ

Xe tải va chạm xe khách, quốc lộ 20 Lâm Đồng ùn ứ nghiêm trọng

Bò tót húc tử vong nhân viên bảo vệ rừng
Có thể bạn quan tâm

Đoạn video 1 phút 48 giây nổi da gà về Hoà Minzy
Nhạc việt
12:13:18 05/05/2025
Cách khắc phục hiệu quả khi ChatGPT bị lỗi dễ dàng nhất
Thế giới số
12:06:31 05/05/2025
Apple cảnh báo khẩn tới người dùng iPhone tại 100 quốc gia
Đồ 2-tek
12:04:55 05/05/2025
Bảng giá xe BYD tháng 5/2025: Ưu đãi lên tới 221 triệu đồng
Ôtô
12:04:19 05/05/2025
Vụ nữ sinh tử vong ở Vĩnh Long: Nhiều nhân chứng hiện trường lên tiếng
Pháp luật
11:52:38 05/05/2025
Lộ diện 'quái thú' đổ bộ ZTD-05 gắn HJ-10: Đột phá công nghệ chống tăng mới
Thế giới
11:48:24 05/05/2025
Justin Bieber sĩ diện, thuê vệ sĩ gấp n lần số tiền kiếm được, vợ thành trụ cột?
Sao âu mỹ
11:41:03 05/05/2025
Bài tập tiếng Việt của học sinh tiểu học hỏi về một loại bánh chứa vần "et" và "oet", mẹ mất ngủ vì không tìm ra đáp án
Netizen
11:31:52 05/05/2025
Tường San sở hữu nhan sắc 'bất bại', thi quốc tế xong về lấy chồng sống kín đáo
Sao việt
11:28:47 05/05/2025
Hãy nấu 3 món này ăn thường xuyên để bổ gan, dưỡng tỳ, cơ thể khỏe mạnh vào mùa hè từ nguyên liệu rẻ tiền
Ẩm thực
11:26:58 05/05/2025