Khi gen Z làm mới nhạc Trịnh
Một lần nữa, âm nhạc của Trịnh Công Sơn lại trở thành chủ đề bàn luận, thậm chí tranh luận, khi những nghệ sĩ trẻ tiếp tục có cách khai triển khác lạ quanh những ca khúc vốn đã quá quen tai với công chúng.
Khác với đa số những lần trước chỉ đơn lẻ từng nghệ sĩ quyết định ‘mở lối’ làm mới nhạc Trịnh, lần này, có hẳn một dự án với sự tham gia của 6 nghệ sĩ trẻ.
Mỹ Anh hát “Nhìn những mùa thu đi”.
1. Sáu nghệ sĩ này đều thuộc thế hệ Gen Z (thuật ngữ chỉ thế hệ sinh năm 1997 – 2012). Đó là Mỹ Anh, Juky San, Kiên Trịnh, Hoàng Duyên, Obito và Hoàng Dũng.
Họ cùng nhau tụ lại trong dự án có tên “EP GenZ và Trịnh” – một dự án âm nhạc của Universal Music Vietnam và Galaxy EE lập ra, với mục đích được cho là để tri ân cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lấy cảm hứng từ 2 bộ phim gây xôn xao dư luận gần đây: “Trịnh Công Sơn”, “Em và Trịnh”.
Poster dự án “EP GenZ và Trịnh”.
Có thể nói, di sản âm nhạc của Trịnh Công Sơn để lại là một “mỏ vàng” để nhiều nghệ sĩ trẻ khai thác. Ai cũng có quyền làm mới âm nhạc Trịnh Công Sơn, và thế hệ thuộc Gen Z cũng không là ngoại lệ. Chỉ có điều, bất cứ cuộc làm mới nhạc Trịnh nào cũng là một thử thách, thậm chí các nghệ sĩ phải đứng trước những ý kiến tranh luận gay gắt, những phản biện thẳng thắn.
Cũng xin giải thích thêm, “EP” trong tên dự án là viết tắt của Extended Play – một hình thức như đĩa mở rộng, khoảng 4 – 5 bài. Theo đó, “EP Gen Z và Trịnh” gồm MV 5 ca khúc: “Mưa hồng”, “ Diễm xưa”, “Nắng thủy tinh”, “Nhìn những mùa thu đi” và “ Tuổi đá buồn” do 6 giọng ca trẻ vừa nhắc tên ở trên thể hiện.
Đó là những cái tên tài năng, yêu nghệ thuật, ghi dấu ấn trong lòng công chúng với những sản phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Mỗi người đều có một màu giọng riêng, một tư duy âm nhạc mới mẻ và trên hết là tình yêu chung dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Khi tham gia dự án này, tất cả họ đều coi đây là cơ hội khi được cùng góp sức để giữ gìn, làm mới một trong những kho tàng âm nhạc giá trị của Việt Nam.
2. Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn luôn tìm kiếm những ca sĩ mới để thể hiện những ca khúc của mình. Vì thế chúng ta ngày nay mới được biết đến những giọng ca thuộc nhiều thế hệ đã hát nhạc Trịnh và để lại những dấu ấn cá nhân, như Khánh Ly, Hồng Nhung.
Và trong vòng khoảng 20 năm qua, sau ngày nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn nằm xuống, tiếp tục có thêm những ca sĩ trẻ tìm đến nhạc Trịnh Công Sơn để hát và làm mới những bài hát đã trở nên thân quen với số đông công chúng. Trong số đó, có thể kể tới những ca sĩ, từ Hà Trần đến Bùi Lan Hương, Hà Lê…
Mỗi người trên hành trình tìm kiếm lối đi mới qua di sản âm nhạc mà Trịnh để lại đều phải bước qua nhiều chông gai, và đều được dư luận “soi” nhiều chiều. Nhiều bình luận về sự làm mới của Bùi Lan Hương, Hà Lê với một số ca khúc của Trịnh Công Sơn, như “Mưa hồng”, “Diễm xưa”, “Ở trọ”… thậm chí có thể gây “sát thương” tâm hồn những người nhạy cảm trong một thời gian dài.
Thế nhưng, vượt qua những “tiếng bấc, tiếng chì”, một số nghệ sĩ vẫn tạo dấu ấn cá nhân với nhạc Trịnh. Để bây giờ, nhắc đến Bùi Lan Hương, có ý kiến nhận định, sau Hồng Nhung thì Bùi Lan Hương là người hát hay nhất nhạc Trịnh Công Sơn. Hay với ca sĩ Hà Lê, anh cũng tạo được dấu ấn của mình trong cách làm mới nhạc Trịnh với cách phối mới, cách thể hiện khác biệt. Không chỉ được một bộ phận công chúng đón nhận, Hà Lê còn được đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ủng hộ với những nhận xét tích cực.
3. Mỹ Anh (con gái ca sĩ Mỹ Linh) thử sức với “Nhìn những mùa thu đi” – một bài hát của Trịnh Công Sơn, qua những thế hệ người hát trước, thường được biết đến với màu sắc buồn trữ tình. Nhưng khi giọng ca 21 tuổi Mỹ Anh vang lên, đó lại là một nỗi buồn vẫn man mác, da diết, khắc khoải, nhưng cũng có gì đó bình thản, an nhiên hơn.
Bản phối được nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn cùng cộng sự thực hiện theo phong cách jazz swing cổ điển nhưng có hơi hướng tối giản để phù hợp hơn với giới trẻ. Bài hát thể hiện được sự mạnh bạo, đổi mới và sáng tạo của giới trẻ.
Tuy nhiên, sau khi ra mắt, “Nhìn những mùa thu đi” qua sự thể hiện của Mỹ Anh đã gây ra nhiều luồng ý kiến khen – chê trái chiều.
Video đang HOT
Tương tự như vậy, những “Gen Z” khác như Hoàng Dũng hát “Nắng thủy tinh”, Juky San hát “Tuổi đá buồn”, Hoàng Duyên hát “Mưa hồng”… cũng đối diện những ý kiến trái chiều.
Chắc hẳn, cả nhà sản xuất lẫn các ca sĩ trẻ khi nhận lời tham gia dự án “EP Gen Z và Trịnh” đã xác định chấp nhận những ý kiến trái chiều.
“Tôi biết khi nhận dự án này, chắc chắn sẽ có ý kiến trái chiều. Tôi đã nghiên cứu rất nhiều để dung hòa mọi thứ. Cũng may mắn khi tôi tìm được những giọng ca rất trẻ nhưng lại có sức nặng. Sức nặng ở đây là việc các bạn hát trong một tâm thế rất cầu toàn, tôn trọng”, nhà sản xuất Huỳnh Quang Tuấn nói, đồng thời hy vọng: “Tôi chỉ mong sau này khi một ngày dài kết thúc, mọi người có thể bật album nghe và ngủ một cách thoải mái. Bạn có thể nghe bất cứ ở nơi nào, cả trong những chuyến đi du lịch, để âm nhạc của Trịnh len lỏi vào đời sống tinh thần của người trẻ. Khi cuộc sống hiện tại trôi qua quá nhanh và dồn dập, các bạn có thể sống chậm lại một chút để cảm nhận được vẻ đẹp và ý nghĩa nơi nhạc Trịnh”.
Các bản phối trong “EP Gen Z và Trịnh” được thực hiện theo hai phong cách chủ đạo là Swing Jazz và RnB, kết hợp với chút lãng đãng hoài niệm của chất nhạc lo-fi.
4. Âm nhạc của Trịnh Công Sơn hay của bất cứ nhạc sĩ nào, tất nhiên, không phải cứ “làm” là “mới”. Nhiều khi làm mới lại là sự “phá hủy”. Nhưng đứng trước những di sản âm nhạc để lại, thế hệ sau có quyền đón nhận, kế thừa và làm mới để lan tỏa và hòa hợp với xu thế thời đại. Riêng với âm nhạc Trịnh Công Sơn cũng vậy. Giới trẻ ngày nay không mấy mặn mà với những bản nhạc và những giọng ca đi trước. Vì tâm thế của họ đã khác trước nhiều.
Ca sĩ Khánh Ly có lý khi nói rằng, đừng bao giờ so sánh người này với người kia, tội nghiệp nhất là so sánh một người 70 tuổi với một người 20 tuổi. Giới trẻ ngày nay có quyền hát theo cách họ nghĩ, họ cảm. Vì thế, hãy để cho họ hát.
Còn bà Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bày tỏ sự vui mừng khi thấy có nhiều người trẻ hát nhạc Trịnh theo cách riêng của họ.
“Anh tôi khi còn sống luôn tìm kiếm những giọng ca mới hát theo cách riêng của thời đại họ. Tôi ủng hộ các bạn trẻ tìm được cảm hứng sáng tạo trên nhạc Trịnh và cứ hãy mạnh dạn ra mắt sản phẩm của mình. Dòng chảy âm nhạc phải luôn được tiếp nối qua các thế hệ”, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói.
Đúng vậy, dòng chảy nhạc Trịnh cần được tiếp nối. Chỉ có điều, cái gì hay sẽ đọng lại, còn dở thì sẽ bị đào thải.
"Em Và Trịnh" chính thức ra mắt album nhạc phim, thỏa lòng mong đợi của khán giả
Nhắc đến Trịnh Công Sơn, ngoài những ý niệm sâu sắc về kiếp nhân sinh, người ta còn nhớ đến những người phụ nữ đặc biệt đã đem lại cho nhạc sĩ rung cảm mãnh liệt để động bút viết nên bao giai điệu đi cùng năm tháng. Trong đó, phổ biến nhất là 4 ca khúc có mặt trong album vừa phát hành, gồm "Ướt mi" (Nhật Linh), "Diễm xưa" (Akari), "Nắng thuỷ tinh" (Avin Lu, Hoàng Hà) và "Nhìn những mùa thu đi" (Bùi Lan Hương).
Sau khi bộ phim điện ảnh "Em và Trịnh" chính thức công chiếu ngày 17-6, đã có rất nhiều lời khen ngợi từ khán giả dành cho phần nhạc phim, nhấn mạnh đây là điểm sáng rực rỡ của tác phẩm từ Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Rất nhiều người hâm mộ bộ phim cũng mong muốn có một album tổng hợp các ca khúc nhạc phim chính thức để một lần nữa được "sống" trong không khí của tác phẩm.
Đáp ứng sự mong đợi và kỳ vọng của khán giả, Universal Music Vietnam phát hành album nhạc phim đầu tiên gồm các ca khúc về 4 nàng thơ đặc biệt của Trịnh Công Sơn được nhắc đến trong "Em và Trịnh". Đây cũng sẽ là album nhạc phim tổng hợp đầu tiên, mở đầu cho các album nhạc phim khác đến từ bộ phim "Em và Trịnh" sẽ lần lượt được ra mắt trong thời gian tới.
Bậc thầy nhạc phim Đức Trí là người đã hòa âm phối khí cho các ca khúc này. Nhạc sĩ đã sử dụng đến các thiết bị cổ hoặc giả lập âm thanh cổ được anh sưu tập để sử dụng cho dự án này. Mục đích vốn để thuyết phục người xem để họ không thấy sự "phục dựng" các bản ghi mà như thể nó đã có từ những năm 50-60 hay 90, đó là công việc cần sự hiểu biết và chuẩn bị khá cầu kỳ trong khâu sản xuất âm nhạc.
"Điều khó khăn nhất khi thu cho nhạc phim là hầu hết diễn viên đều không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, trừ Bùi Lan Hương, còn lại các bạn đều rất mới, rất trẻ, nhưng phải thể hiện giọng hát của những người quá nổi danh. Mà các đoạn thu chủ yếu cũng để phục vụ cho các phân cảnh cho phim chứ không phải ghi âm cho một album, nên khi biên tập lại cho đĩa OST tôi phải chọn lọc và biên tập lại ít nhiều để người nghe không bị hụt hẫng khi nghe album mà không có hình ảnh.
Tôi không phối mới, hay chính xác hơn là không phối "cho mới" mà phải làm cho nó nghe xưa. Tinh thần xuyên suốt của dự án này là không có âm thanh điện tử. Tất cả các nhạc cụ thu là nhạc cụ thật, diễn viên phải hát thật cùng lúc với ban nhạc, vì thế không thể biên tập, chỉnh giọng gì cả. Diễn viên chỉ có một cách là tập luyện kỹ để thu, họ sẽ được thu vài lần, chọn ra lần hay nhất" - Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ về quá trình thực hiện album nhạc phim.
Nhắc đến Trịnh Công Sơn, ngoài những ý niệm sâu sắc về kiếp nhân sinh, người ta còn nhớ đến những người phụ nữ đặc biệt đã đem lại cho nhạc sĩ rung cảm mãnh liệt để động bút viết nên bao giai điệu đi cùng năm tháng. Trong đó, phổ biến nhất là 4 ca khúc có mặt trong album vừa phát hành, gồm "Ướt mi" (Nhật Linh), "Diễm xưa" (Akari), "Nắng thuỷ tinh" (Avin Lu, Hoàng Hà) và "Nhìn những mùa thu đi" (Bùi Lan Hương). Riêng "Ướt mi" được thực hiện MV riêng, cũng trình làng trong tối 24-6 tạo hiệu ứng tốt trong lòng người hâm mộ.
"Ướt mi" và mối tình đầu đơn phương
Trở lại năm 1958, khi đó Trịnh Công Sơn còn là cậu học trò 19 tuổi đem lòng say mê tiếng hát của cô ca sĩ Thanh Thuý nổi danh trong giới phòng trà ở Sài Gòn. Thế nhưng trước một cô gái "tường đông ong bướm đi về mặc ai", Trịnh chỉ biết lặng lẽ đứng ở một góc dõi theo ánh sáng từ cô.
Những ngày tháng tuổi trẻ ấy với Trịnh Công Sơn là "đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng". Cho đến một ngày, con người tự ti ấy yêu cầu Thanh Thuý hát bài hát "Giọt mưa thu" của Đặng Thế Phong và cô đã đồng ý.
Khoảnh khắc Thanh Thúy xúc động rơi nước mắt trên sân khấu đã khiến Trịnh Công Sơn thức trắng đêm viết nên ca khúc "Ướt mi" văng vẳng tiếng hát thấm đẫm giọt buồn của Thanh Thuý trong tim. Đây là sáng tác đầu tay góp phần mang tên tuổi Trịnh Công Sơn ghi dấu ở làng nhạc đương thời.
Những ai đã xem qua "Em và Trịnh" hẳn vẫn còn lưu luyến mãi với tiếng hát liêu trai, sầu thảm của ca sĩ Thanh Thuý do nữ sinh người Huế Nhật Linh thể hiện ngay ở đầu bộ phim. Cô gái gen Z đã khiến người ta ngạc nhiên với tiếng hát u buồn, hoài niệm và khơi gợi trong ký ức của người nghe dáng dấp của danh ca Thanh Thuý.
Nói về phần thể hiện của Nhật Linh, Nhạc sĩ Đức Trí nhận xét: "Với Nhật Linh thì thử thách lại khác, bạn ấy là người chưa hát bao giờ, hay ít ra, không phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng lại phải vào vai một ca sĩ danh ca mà hát hay từ nhỏ. Cách duy nhất tôi có thể giúp bạn ấy đó là: chỉ có một cách chinh phục người nghe, đó là: thả hồn theo cảm xúc lời ca. Khi bạn trôi theo câu hát, người nghe sẽ đi theo bạn".
"Diễm xưa" - bản tình ca kinh điển của thời đại
Khác với tâm tư nặng trĩu mà Nhật Linh thể hiện, cô gái người Nhật Nakatani Akari lại có phần mơ mộng hơn với hình ảnh ôm đàn ngồi hát "Diễm xưa". Trong phim, cô đảm nhận vai Michiko Yoshii - người đã suýt lên xe hoa kết hôn cùng Trịnh Công Sơn lúc trung niên.
Ca khúc được Trịnh Công Sơn sáng tác năm 1960, khi nhìn thấy bóng hình của một người con gái xinh đẹp, mỏng manh đang đi qua hàng cây long não, nơi có cơn mưa buổi sớm mai bay bay trên những tầng tháp cổ. Người con gái ấy là Ngô Vũ Bích Diễm - một cô gái gốc Bắc đã theo chân gia đình vào Huế.
Trịnh lúc này không còn những tự ti của tuổi 19, nhưng cái chất "phiêu lãng" của người nghệ sĩ đã trở thành lý do khiến gia đình Bích Diễm ngăn trở. Mối tình ấy dù có mãnh liệt đến đâu thì cũng chỉ là tình đơn phương mãi chẳng được hồi đáp. Akari đã thể hiện lại tâm tình ấy bằng cách hát nhẹ nhàng nhưng lại chất chứa nỗi lòng tương tư.
Nhân vật của cô - Michiko - đến bên đời Trịnh bằng sự chủ động cùng lòng ngưỡng mộ. Cô là người duy nhất nhận được lời cầu hôn của ông, nhưng cuối cùng vẫn tiếc nuối khi không thể thắng được những kỷ niệm dành cho bóng hồng xưa cũ.
Diễm xưa trong album nhạc phim là phiên bản tiếng Nhật do người thủ vai Michiko là Nakatani Akari thể hiện. Khi Michiko cất tiếng hát lên những nốt nhạc quen thuộc bằng một thứ tiếng lạ, dường như cũng đang nói lên rằng bản tình ca nổi tiếng nhất của Trịnh Công Sơn lại nói về một mối tình đơn phương đẹp đẽ nhưng xót xa, có chút lạc lõng, là tình nhưng lại chẳng được trọn vẹn, của cả Trịnh Công Sơn và Michiko..
"Nắng thủy tinh" - ca khúc hiếm hoi có hạnh phúc ngập đầy
Cũng như "Diễm xưa" hay "Ướt mi" được viết riêng cho một người, "Nắng thuỷ tinh" được sáng tác vào giai đoạn đầy mộng mơ và lãng mạn của một tâm hồn đang rơi vào tình yêu. Bài hát sáng tác năm 1963, khi nhạc sĩ đang hạnh phúc bên mối tình Dao Ánh, dù thực tế là nỗi nhớ vẫn ngập đầy giữa hai người bởi cách trở địa lý.
Dưới tiếng hát trong trẻo, đầy xúc cảm, Hoàng Hà và Avin Lu đã dẫn khán giả từng bước đi vào mối tình lãng mạn, dịu dàng như ánh nắng thuỷ tinh long lanh. Cả hai diễn viên trẻ cũng là người đảm nhận vai diễn Trịnh Công Sơn và Dao Ánh thời trẻ.
Cả hai đã cùng nhau đọc qua Thư tình gửi một người cùng nhiều tư liệu khác về cuộc tình của nhân vật để có những thấu hiểu, đồng điệu. Điều đó giúp họ thể hiện những xúc cảm chân thực nhất khi thể hiện bài hát.
Cả Avin Lu và Hoàng Hà không sử dụng quá nhiều kỹ thuật mà chọn hát theo cách bản năng, mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn đủ chạm đến từng ngóc ngách cảm xúc bên trong trái tim người nghe. Nhạc sĩ Đức Trí thừa nhận Avin Lu và Nhật Linh là 2 "ca khó" trong việc thể hiện nhạc phim "Em và Trịnh":
"Với Avin, bạn ấy biết hát, nhưng cách hát bạn ấy quá mới, trong khi vai diễn anh Trịnh Công Sơn lại là rất xưa, không rung kiểu mới ấy. Hơn nữa, cách hát của một nhạc sĩ sẽ rất khác, họ không quan tâm đến hơi dài ngắn, nhưng phân câu sẽ rất tinh tế khi nhấn những chữ mà nhạc sĩ sẽ tâm đắc. Tôi phải giả định tôi là một người viết thì sẽ hát thế nào để làm mẫu cho bạn ấy cách hát".
Khánh Ly - Nàng thơ đặc biệt nhất!
Nhắc đến nhạc Trịnh, không thể không nhớ đến Khánh Ly - người đã xây nhạc Trịnh thành đền đài của tân nhạc Việt Nam. Sở dĩ nói Khánh Ly là nàng thơ đặc biệt nhất của Trịnh Công Sơn vì dù không phải là tình nhân, họ vẫn trở thành đôi tri kỉ huyền thoại khi sáng tác của một người không thể thiếu đi tiếng hát của một người.
Góp mặt trong vai diễn Khánh Ly, Bùi Lan Hương đã từng vấp phải hoài nghi, nhưng cuối cùng, cô lại là cái tên được khen ngợi nhiều nhất. Bên cạnh nét diễn tự nhiên mà chân thật, nàng "tiên tóc" còn tái hiện những ca khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn, trong đó có Nhìn những mùa thu đi.
Xuất thân là một ca sĩ chuyên nghiệp với chất giọng có âm sắc đặc trưng, nhưng Bùi Lan Hương không hề gây cảm giác đối chọi khi thể hiện phong cách hát có phần bản năng của danh ca Khánh Ly. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết Nhìn những mùa thu đi từ năm 1963, khi ông còn là chàng sinh viên trẻ đa sầu đa cảm 24 tuổi, vừa bị dập tắt hy vọng về một bóng hình nhưng qua đôi mắt của chàng trai si tình, cảm xúc ấy vẫn đẹp và đáng trân trọng.
Trịnh Công Sơn viết bài hát từ cảm xúc thật với một cô gái Huế được cho là em gái của danh ca Hà Thanh. Đó là cuộc tình đơn phương với những cảm xúc mong manh thoáng qua của người nhạc sĩ đa cảm.
Có người ví "Nhìn những mùa thu đi" giống như lát cắt dọc của cuộc đời của Trịnh Công Sơn. Những nàng thơ đã đi qua cuộc đời ông, mang đến cho người nghệ sĩ những dấu vết khó phai, rồi lại rời bước như mùa thu vừa đi, để lại u buồn, lẻ loi và cô độc.
Bốn bài hát như bốn nấc thang của cuộc đời Trịnh Công Sơn. Từ "Ướt mi" với sự tự ti của thân phận khi tương tư một cô nhạc sĩ thành danh. Rồi "Diễm xưa" với những cảm xúc đơn phương mãnh liệt chẳng biết giãi bày cùng ai. Qua "Nắng thuỷ tinh" lại là chút tươi trẻ của một tình yêu lấp lánh như đoá hướng dương.
Những hình bóng thiếu nữ lần lượt lướt ngang, Trịnh chẳng còn gì ngoài một tâm hồn vá víu những tổn thương. Nhưng ông trân trọng điều đó và lặng lẽ nhìn những dáng hình đã xa không thể trở lại như Nhìn những mùa thu đi.
Sau tất cả, người nhạc sĩ tự chiêm nghiệm cho chính mình: "Có những người, khi đi lướt qua nhau sẽ thành người xa lạ. Nhưng mỗi cuộc gặp, mỗi đoạn đường, mỗi người đi cùng ta một đoạn đường, đều có ý nghĩa với ta".
Được biết, các diễn viên phải tập hát với nhạc sĩ Đức Trí khoảng 2 tháng trước khi thu và 3 tháng trước khi quay. Họ làm việc tập luyện đều đặn hằng tuần. Nhạc sĩ Đức Trí cũng đã trấn an các diễn viên để họ có tinh thần thể hiện ca khúc tốt nhất: "Không ai biết những nhân vật của bạn ở tuổi đó thực sự hát ra sao, bạn chỉ nghe được bản thu của họ khi họ nổi danh chục năm sau. Nên các bạn có cơ hội rất cao."
Cùng với trấn an, Nhạc sĩ Đức Trí cũng tạo một áp lực không nhỏ: "Anh quen với rất nhiều người hát hay, chỉ cần các bạn không cố gắng là anh sẽ mời họ hát thay giọng các bạn trong phim."
Clip cover nhạc Trịnh bỗng hot trở lại: Bùi Lan Hương có phù hợp? Phần trình diễn của Bùi Lan Hương đang nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. Đoạn clip Bùi Lan Hương trình diễn ca khúc Còn Tuổi Nào Cho Em vào giữa tháng 2 tại Đà Lạt vừa viral trở lại trên nền tảng TikTok. Trong thời gian gần đây, cô cũng tạo nhiều dấu ấn trong lòng khán giả với vai...











Tiêu điểm
Tin đang nóng
Tin mới nhất

Hòa Minzy mặc áo bà ba đeo khăn rằn quá xinh, cất giọng hát trong veo nghe là thấy mùa xuân thắng lợi!

Tiết lộ thú vị về ca khúc "Như có Bác trong ngày đại thắng" của Phạm Tuyên

Có một thế hệ nghệ sĩ và khán giả khát khao gìn giữ bản sắc dân tộc, viết tiếp câu chuyện hòa bình theo cách riêng của mình

Chia sẻ xúc động của giọng nữ cao đầu tiên hát 'Đất nước trọn niềm vui'

NSND Tự Long, Hòa Minzy và Soobin gây xúc động đêm nhạc 'Mùa xuân thống nhất'

Tùng Dương, Isaac hòa nhịp cùng 150.000 khán giả tại Nhật Bản

Ca sĩ Thái Thuỳ Linh nhớ hình ảnh ấm áp với các chú bộ đội

Chuyện ít biết về 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình' gây sốt với 2 tỉ lượt xem

Hoà Minzy xông vào trường quay năn nỉ 1 nam NSND hợp tác Bắc Bling và cái kết

Đúng ngày này năm xưa: Như Có Bác Trong Ngày Đại Thắng ra đời, khúc ca khải hoàn gắn liền với thời khắc lịch sử

Màn kết hợp giữa NSND Thanh Hoa và Hòa Minzy được gọi "tuyệt tác song ca" 2 thế hệ, leo thẳng trending sau 4 ngày

Đại tá, NSND Thu Hà: Ứa nước mắt giữa vòng tay Nhân dân, xem nhẹ cái nóng 50 độ
Có thể bạn quan tâm

Alexander-Arnold có thể 'quay xe' với Real Madrid
Sao thể thao
15:56:29 30/04/2025
Na Uy bước vào 'kỷ nguyên mới' về sức mạnh không quân với F-35 và tên lửa tiên tiến
Thế giới
15:34:15 30/04/2025
10 bí quyết duy trì chế độ ăn lành mạnh trong kỳ nghỉ lễ tránh tăng cân
Sức khỏe
15:19:13 30/04/2025
Hóng: Em gái Trấn Thành hẹn hò 1 Anh Trai Say Hi?
Sao việt
15:05:54 30/04/2025
"Con của mẹ đã sống một cuộc đời đáng sống" - câu chuyện khiến triệu người bật khóc trong bộ phim đáng xem nhất thời điểm này
Phim việt
14:40:11 30/04/2025
Trần Phi Vũ: 'Phú nhị đại' có gia đình hậu thuẫn vẫn xém bị phong sát vì tình cũ
Sao châu á
14:40:05 30/04/2025
Các điểm du lịch Miền Tây rộn ràng đón khách dịp lễ 30-4 và 1-5
Du lịch
14:22:48 30/04/2025
Dòng iPhone 17 Pro 'lỡ hẹn' công nghệ màn hình độc quyền
Thế giới số
14:16:42 30/04/2025
Xe mới ra mắt trong tháng 4: Chuyển dịch "xanh" trên thị trường ô tô Việt
Ôtô
14:07:54 30/04/2025
Người phụ nữ dùng 'chiêu độc' để chiếm đoạt tiền tỷ của hàng trăm bị hại
Pháp luật
14:00:20 30/04/2025