Mỹ – Trung bước vào cuộc đàm phán ’sống còn’ về kinh tế
Kết quả của các cuộc đàm phán Mỹ – Trung thương mại lần này có thể định hình tương lai của nền kinh tế toàn cầu.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ New York Times, các quan chức kinh tế cấp cao của Mỹ và Trung Quốc này hôm nay, 10/5, gặp nhau tại Geneva trong khuôn khổ các cuộc đàm phán mang tính sống còn, có thể định đoạt số phận của nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo bởi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khơi mào.
Cuộc đàm phán lần này dự kiến kéo dài đến ngày 11/5, và là lần gặp đầu tiên kể từ khi ông Trump nâng thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc lên 145%, trong khi Bắc Kinh đáp trả bằng mức thuế 125% đối với hàng Mỹ. Đòn ăn miếng trả miếng này đã gần như làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy mức độ quan trọng của cuộc đàm phán là rất cao, nhưng kỳ vọng về một đột phá dẫn đến việc giảm đáng kể thuế quan lại rất thấp. Phải mất nhiều tuần, hai bên mới đồng ý ngồi lại với nhau, và giới phân tích dự đoán nội dung đàm phán cuối tuần này chủ yếu xoay quanh việc xác định lập trường và cách thức tiếp tục thương lượng.
Dẫu vậy, việc Washington và Bắc Kinh chịu đối thoại đã thắp lên hy vọng rằng căng thẳng song phương có thể được hạ nhiệt và thuế quan có thể được điều chỉnh xuống. Tác động của các mức thuế hiện tại đã lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, buộc các chuỗi cung ứng phải tái cơ cấu và khiến doanh nghiệp đẩy chi phí gia tăng sang người tiêu dùng.
Giới kinh tế và nhà đầu tư chắc chắn đang theo dõi sát sao các cuộc đàm phán, trong những lo ngại rằng một cuộc chiến kinh tế toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại và giá cả leo thang. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những bên phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc, cũng đang cảnh giác cao độ trong lúc tìm cách đối phó với các loại thuế mới và sự bất ổn đi kèm.
“Cả Mỹ và Trung Quốc đều có lợi ích kinh tế – tài chính to lớn trong việc giảm leo thang xung đột thương mại, nhưng một cuộc đình chiến lâu dài thì vẫn rất xa vời”, ông Eswar Prasad, cựu giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
“Tuy nhiên”, ông Prasad nói thêm, “việc hai bên khởi động các cuộc đàm phán cấp cao đã là một bước tiến đáng kể, mở ra hy vọng rằng họ sẽ kiềm chế các phát ngôn và lùi bước trước các động thái đối đầu gay gắt hơn trong quan hệ kinh tế.”
Đội ngũ đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump do Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent dẫn đầu. Ông Bessent từng tuyên bố rằng mức thuế hiện nay là không thể duy trì lâu dài. Đồng hành với ông là Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer – kiến trúc sư của chiến lược thương mại thời kỳ đầu của ông Trump, trong đó có thỏa thuận “Giai đoạn Một” với Trung Quốc. Cố vấn thương mại “diều hâu” Peter Navarro không có tên trong danh sách đoàn.
Trong khi đó, dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc là Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Hà Lập Phong. Chính phủ Trung Quốc chưa xác nhận ai sẽ đi cùng ông Hà, hoặc liệu Bộ trưởng Công an Vương Tiểu Hồng – người phụ trách ủy ban kiểm soát ma túy – có tham dự hay không. Nếu ông Vương xuất hiện, đó sẽ là tín hiệu cho thấy hai bên có thể bàn tới lo ngại của ông Trump về vấn đề fentanyl.
Video đang HOT
Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu gây thiệt hại cho hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hôm 9/5, Trung Quốc báo cáo xuất khẩu sang Mỹ trong tháng 4 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tập đoàn lớn của Mỹ cho biết họ buộc phải tăng giá sản phẩm để bù đắp chi phí thuế, đi ngược lại cam kết của ông Trump về việc “kết thúc” lạm phát.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ phát tín hiệu rằng ông sẵn sàng hạ thuế, gợi ý mức 80% là “phù hợp”. Sau đó, ông nói thêm rằng mình sẽ không thất vọng nếu không đạt được thỏa thuận ngay lập tức, vì “không làm ăn gì cũng có thể là một thỏa thuận tốt cho nước Mỹ.”
Ông cũng nhấn mạnh rằng việc đề xuất mức thuế 80% là điều ông từng nói, và “xem thử chuyện đó sẽ diễn tiến thế nào.”
Chính quyền Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc trợ cấp không công bằng cho các ngành công nghiệp chiến lược và bán phá giá hàng hóa ra thế giới. Mỹ cũng đang gây sức ép buộc Trung Quốc mạnh tay hơn trong việc kiểm soát xuất khẩu tiền chất fentanyl.
Về phần mình, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận đàm phán dưới áp lực thuế quan. Giới chức nước này nói rằng họ chỉ đồng ý đàm phán theo yêu cầu từ phía Mỹ.
“ Cuộc chiến thuế quan này là do phía Mỹ phát động”, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Lưu Bằng Vũ, tuyên bố tuần này. “Nếu Mỹ thực sự muốn tìm giải pháp thông qua thương lượng, thì cần dừng ngay các lời đe dọa và gây sức ép, đồng thời đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.”
Dù mức 80% thấp hơn đáng kể so với hiện tại (145%), nó vẫn có thể khiến thương mại song phương gần như đóng băng.
Một số chuyên gia cho rằng hai nước có thể thực hiện một số bước đi cụ thể nhằm tạo nền tảng cho đàm phán tiếp theo.
Ông Ngô Tân Ba, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phục Đán (Thượng Hải), đề xuất đưa thuế về mức khoảng 20% – tức về lại tình trạng đầu tháng 4, trước khi ông Trump áp mức 34% lên hàng Trung Quốc và bị trả đũa.
“Nếu ta có thể lùi về giai đoạn đó, thì đó sẽ là tiến triển lớn hướng tới đàm phán mang tính xây dựng”, ông Ngô nói.
Ông cho biết Trung Quốc sẵn sàng bàn riêng về vấn đề fentanyl, đồng thời tiết lộ Bắc Kinh từng đề xuất đối thoại với chính quyền Trump từ tháng 2 – ngay sau khi ông Trump công bố kế hoạch áp thuế vì cáo buộc về dòng fentanyl bất hợp pháp tràn vào Mỹ.
Cuộc đàm phán Mỹ – Trung ngày 10 và 11/5 diễn ra gần trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Thụy Sĩ, tổ chức đã nhiều lần chỉ trích cuộc chiến thuế quan của ông Trump. WTO cảnh báo, việc chia cắt kinh tế toàn cầu thành các “khối đối đầu” có thể khiến GDP toàn cầu giảm gần 7% về dài hạn – đặc biệt gây thiệt hại cho các quốc gia nghèo. Người phát ngôn của tổ chức này cho biết họ hoan nghênh các cuộc đàm phán như một bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Viễn cảnh Mỹ và Trung Quốc ngừng giao thương hoàn toàn có thể gây đau đớn và bất ổn kinh tế sâu rộng. Người tiêu dùng Mỹ, vốn quen với hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, có thể sớm đối mặt với các kệ hàng trống trơn và giá cả đắt đỏ.
Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ hôm 9/5 cho biết lưu lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ trong năm nay có thể lần đầu tiên sụt giảm kể từ năm 2023, khi các chuỗi cung ứng gặp khủng hoảng. Họ cho rằng nguyên nhân là các mức thuế của chính quyền.
“Chúng ta đang bắt đầu chứng kiến tác động thực sự của thuế quan do ông Trump áp đặt đối với chuỗi cung ứng”, Jonathan Gold – Phó Chủ tịch phụ trách chính sách chuỗi cung ứng của liên đoàn – nhận định. “Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ gánh chịu hậu quả dưới hình thức giá cao hơn và nguồn cung ít hơn.”
Chính quyền Tổng thống Trump hiện đang chạy đua để ký thỏa thuận thương mại với 17 đối tác lớn khác, sau khi nhà lãnh đạo Mỹ tạm hoãn triển khai loạt thuế đối ứng mà ông công bố hồi tháng 4. Ông ca ngợi một thỏa thuận vừa đạt được với Anh như minh chứng rằng chiến lược thuế quan của ông đang phát huy tác dụng.
Giới kinh tế cho rằng các tín hiệu gần đây từ Nhà Trắng cho thấy họ sẵn sàng giảm thuế là điều tích cực.
“Việc vội vã công bố các ‘thỏa thuận’ cho thấy chính quyền đang ngày càng lo ngại về tác động của thuế quan lên tăng trưởng và lạm phát”, Paul Ashworth – nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ của Capital Economics – viết trong thư gửi khách hàng. “Việc số lượng tàu hàng từ Trung Quốc lao dốc đã khiến người ta lo ngại tình trạng thiếu hụt hàng hóa cận kề tại Mỹ, gia tăng áp lực buộc chính quyền phải hạ nhiệt cuộc chiến thuế”.
Capital Economics ước tính rằng nếu Mỹ giảm thuế với hàng Trung Quốc xuống 54%, thì thuế suất hiệu dụng bình quân với toàn bộ hàng nhập khẩu sẽ từ 23% giảm còn 15%. Điều này sẽ đưa các dự báo tăng trưởng và lạm phát quay về đúng mức mà họ tính toán đầu năm, dựa trên cam kết tranh cử của ông Trump.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu ông Trump có chấp nhận mức thuế 54% hay không. Hôm 9/5, ông ngụ ý rằng sẵn sàng hạ xuống 80% và trao toàn quyền đàm phán cho Bộ trưởng Tài chính Bessent.
Sau đó trong ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết con số 80% không phải là đề xuất chính thức, mà chỉ là “một con số Tổng thống nêu ra”. Bà Leavitt nói thêm rằng ông Trump sẽ không giảm thuế trừ khi Bắc Kinh cũng có động thái tương ứng.
Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc tăng trưởng 2 con số khi Tổng thống Trump trở lại
Theo hãng tin Bloomberg, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc đã tăng mạnh trong những tháng đầu của nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, khi các cơ sở sản xuất của nước này mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài nhằm đối phó với nguy cơ từ các mức thuế của Mỹ.
Công nhân nhà máy Trung Quốc làm việc trên dây chuyền lắp ráp. Ảnh: Getty Images.
Theo dữ liệu sơ bộ từ Cục Quản lý ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) công bố hôm 9/5, các doanh nghiệp Trung Quốc đã gia tăng lượng tài sản ở nước ngoài lên khoảng 48 tỷ USD trong quý I năm nay - tăng 28% so với cùng kỳ năm 2024.
Số liệu này phản ánh phần nào cách thức mà các công ty Trung Quốc ứng phó với giai đoạn đầu của cuộc chiến thuế quan do Tổng thống Trump phát động trong năm nay. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trong nước và rủi ro ngày càng lớn từ các biện pháp ngăn chặn thương mại, nhiều công ty Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hiện diện ở nước ngoài nhằm nỗ lực giảm bớt căng thẳng bằng cách tạo ra việc làm và cơ hội kinh tế tại các thị trường khác.
Thời gian gần đây, Tổng thống Trump đã tìm cách sử dụng công cụ thuế quan, đàm phán thương mại để gây sức ép lên các nước từ Đông Nam Á đến châu Âu, yêu cầu các quốc gia này hạn chế giao thương với Bắc Kinh. Các biện pháp trên có thể bao gồm việc siết chặt đầu tư từ Trung Quốc cũng như các quy định khác được thiết kế để ngăn Bắc Kinh xuất khẩu năng lực công nghiệp dư thừa trong nước ra nước ngoài.
Trong khi đó, Bắc Kinh cũng đã gia tăng việc giám sát các khoản đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp trong nước, sau khi dòng vốn chảy mạnh ra nước ngoài gây áp lực lên đồng nhân dân tệ. Vào tháng trước, Bloomberg News từng cho biết rằng Trung Quốc cũng đã có các bước đi nhằm hạn chế doanh nghiệp nội địa đầu tư vào thị trường Mỹ.
Ở chiều ngược lại, dữ liệu từ SAFE cũng cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 14,7 tỷ USD vào Trung Quốc trong quý I, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Bắc Kinh đang nỗ lực thu hút doanh nghiệp quốc tế. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3 vừa qua cũng đã cam kết với các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu rằng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc và giải quyết những thách thức mà họ gặp phải khi hoạt động tại nước này.
Trong một động thái liên quan, ngày 8/5, Tổng thống Donald Trump cho biết các cuộc đàm phán thương mại cấp cao giữa Mỹ và Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tuần này tại Thụy Sĩ, đồng thời hy vọng hai bên có thể đạt tiến triển thực chất nhằm giảm mức thuế cao mà Washington đang áp dụng đối với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, ông cũng cho biết có thể sẽ điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau các cuộc đàm phán.
Động thái này được xem là tín hiệu tích cực đầu tiên sau nhiều tuần bế tắc, cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều sẵn sàng tái khởi động đối thoại nhằm tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trung Quốc hiện đang phải chịu mức thuế 145% đối với toàn bộ hàng xuất khẩu sang Mỹ, trong khi Bắc Kinh áp mức thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa Washington.
Tổng thống Trump cho biết chính quyền Mỹ có thể cân nhắc điều chỉnh giảm thuế nếu các cuộc đàm phán sắp tới đạt tiến triển tích cực. Ông cho rằng mức thuế hiện tại đã ở ngưỡng cao nhất và việc giảm là điều hợp lý, đồng thời đánh giá Trung Quốc- quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, thể hiện thiện chí đạt thỏa thuận và mở cửa thị trường.
Trung Quốc đặt điều kiện đàm phán thương mại với Mỹ Phía Trung Quốc đã đưa ra một số điều kiện để đàm phán thương mại với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia liên quan thuế quan. Cảng hàng hóa ở Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN Theo hãng Bloomberg ngày 16/4, Trung Quốc sẵn sàng tham gia đàm phán thương mại với Mỹ, với điều kiện Tổng...











Tiêu điểm
Tin đang nóng
Tin mới nhất

Động thái đặc biệt của Mỹ sau khi đàm phán Nga - Ukraine bế tắc

Tai nạn liên hoàn, giải đua xe đạp danh giá buộc phải tạm dừng

Ông Putin lần đầu lên tiếng sau đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine

Nga tấn công UAV lớn chưa từng có vào Ukraine

Ukraine tìm "điểm mù" trên phòng tuyến Nga để tái xuất mặt trận Kursk

Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua S-400 của Nga

4 điều kiện then chốt để ông Trump dỡ bỏ trừng phạt Syria

Điện Kremlin lên tiếng sau khi ông Trump "chốt" điện đàm với ông Putin

Tranh cãi tính năng tàng hình của F-35 Mỹ sau vụ suýt bị Houthi bắn hạ

Tàu hải quân Mexico đâm vào cầu Brooklyn

Nữ sinh 13 tuổi bị lao đâm trúng trong giờ thể dục

Bức xúc với mệnh lệnh "vô nghĩa", chỉ huy đơn vị tinh nhuệ Ukraine từ chức
Có thể bạn quan tâm

Nông Thúy Hằng: Từ học sinh giỏi văn đến hoa hậu người Tày khiến cả nước tự hào
Sao việt
11:47:45 19/05/2025
Vụ du khách nước ngoài bị xé thẻ khi lên máy bay: Thái độ nhân viên tranh cãi
Netizen
11:33:26 19/05/2025
6 nguyên tắc vàng khi thiết kế phòng khách
Sáng tạo
11:26:20 19/05/2025
Chỉ vì 1 đôi hoa tai, mỹ nhân 17 tuổi bị lộ gia thế khủng, hóa ra là "công chúa hào môn" trong truyền thuyết
Sao châu á
11:18:56 19/05/2025
Pep Guardiola giải thích lý do Haaland không đá phạt đền
Sao thể thao
11:14:25 19/05/2025
Bất chấp lục đục gia đình, tài sản của vợ chồng Beckham tăng vọt, sắp đuổi kịp Quốc vương Anh
Sao âu mỹ
11:14:10 19/05/2025
Cháy xưởng giày da ở Vĩnh Phúc, 30 xe cứu hỏa đến hiện trường
Tin nổi bật
11:11:35 19/05/2025
Sedan cỡ B tháng 4: City lên ngôi, Accent và Vios giảm sức tiêu thụ
Ôtô
11:08:17 19/05/2025
Công an đột kích quán bar Sky, phát hiện nhiều người dương tính ma túy
Pháp luật
11:05:23 19/05/2025
Ngủ đủ giấc giúp phục hồi và tái tạo da như thế nào?
Làm đẹp
10:51:23 19/05/2025