Thách thức nghiêm trọng mới từ việc EU giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga
Bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và tăng cường tích trữ khí đốt trước mùa đông, năng lượng của châu Âu vẫn không được đảm bảo về lâu dài.
Đặc biệt, trong tương lai EU có thể ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực này.
EU đang đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt, tập trung vào LNG. Ảnh: AFP
Từ thời điểm cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, EU biết rằng họ sẽ sớm phải tự trả lời một số câu hỏi rất phức tạp. Theo bình luận của kênh CNN (Mỹ) mới đây, nổi bật trong số đó là liệu châu Âu có thể độc lập với khí đốt của Nga vốn đã phục thuộc trong nhiều thập kỷ và tránh bị một cú sốc nếu nguồn cung từ Moskva bị cắt giảm đột ngột do sự hỗ trợ của EU cho Ukraine hay không.
Đối với châu Âu, an ninh năng lượng luôn là một sự đánh đổi: Năng lượng nhập khẩu giá rẻ đi kèm với nguy cơ phụ thuộc vào các quốc gia sản xuất ra nó.
Trong trường hợp của Nga và khí đốt tự nhiên từ nước này, các quan chức EU ban đầu suy đoán rằng một mùa đông dài và lạnh giá vào năm 2022-2023 có thể buộc châu Âu nới lỏng các lệnh trừng phạt nhằm vào Moskva. Suy cho cùng, các nước phát triển như những thành viên EU không thể để công dân của họ chịu lạnh giá vì Ukraine một cách không hợp lý.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa may mắn, có kế hoạch và ủng hộ của người châu Âu đã khiến cuộc chiến năng lượng – từng được coi là “con át chủ bài” của Tổng thống Nga Vladimir Putin – trở nên không hiệu quả. Châu Âu đã có một mùa đông đặc biệt ôn hòa trong khi chính phủ và người dân của họ đã nỗ lực phối hợp để sử dụng ít khí đốt hơn.
Sự kết hợp giữa mùa đông ấm áp và mức tiêu thụ khí đốt thấp hơn đã tạo cơ hội cho EU chuyển hướng khỏi chính sách “Wandel durch Handel” (Thay đổi thông qua thương mại – một chính sách đối ngoại của Đức về việc tăng cường thương mại nhằm nỗ lực tạo ra sự thay đổi về chính trị).
Bước đầu tiên của EU là giảm nhập khẩu từ Nga. Vào năm 2021, một năm trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, 45% tổng lượng khí đốt mà EU nhập khẩu đến từ Nga. Ở Đức, con số đó đạt mức 52%. Những số liệu trên đã giảm mạnh kể từ đó. Theo dữ liệu của EU, trong quý 1 năm 2023, Nga chỉ chiếm 17,4% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối.
Bước thứ hai là tận dụng mùa đông ấm áp và tích trữ khí đốt để chuẩn bị cho mùa lạnh năm 2023-2024.
Video đang HOT
Các kho dự trữ khí đốt của châu Âu đã sớm đạt mức lưu trữ theo mục tiêu đặt ra năm nay đến mức có sự đồng thuận rằng Nga sẽ không thể “vũ khí hóa” năng lượng theo cách có thể làm thay đổi quyết tâm của EU trong việc trừng phạt Moskva và ủng hộ Ukraine. EU nói chung đã đạt được mục tiêu dự trữ đầy 90% vào giữa tháng 8, vài tháng trước thời hạn ngày 1/11 tới.
Hơn nữa, châu Âu đã đa dạng hóa đáng kể các nguồn cung năng lượng của mình.
Trung Quốc đi đầu trong sản xuất tấm pin mặt trời. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực trên, các quan chức EU và nhà phân tích vẫn lo ngại rằng dù những tiến bộ đó có ấn tượng đến đâu, năng lượng của châu Âu vẫn không được đảm bảo về lâu dài.
Điểm đáng lo ngại nhất là do toàn bộ châu Âu đã đa dạng hóa việc nhập khẩu khí đốt, phần lớn trong số đó hiện đang được dự trữ là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).
Milan Elkerbout, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu, cho biết: “LNG là một giải pháp rõ ràng đến mức nó trở thành ưu tiên, nhưng vì LNG cũng rất linh hoạt và có thể giao dịch nên khó truy tìm nguồn gốc hơn một chút”.
Ông Elkerbout nói thêm: “Điều đó có nghĩa là gián tiếp một số lượng LNG nhất định có thể đến từ Nga và vẫn đóng góp vào nguồn thu của Điện kremlin”.
Trong khi EU cho biết phần lớn LNG của họ được mua từ Mỹ, Qatar và Nigeria, loại khí này thường được bán trên các sàn giao dịch nơi các hợp đồng chỉ quy định về khối lượng mà không có bất kỳ sự xem xét nào về xuất xứ.
Lĩnh vực quan tâm thứ hai – và được cho là quan trọng hơn – là về dài hạn. Mặc dù châu Âu có thể đã từ bỏ một phần chính sách “Thay đổi thông qua thương mại” với Nga, nhưng EU vẫn phụ thuộc vào năng lượng của các nước khác. Và khi nói đến an ninh năng lượng, sự phụ thuộc này cuối cùng sẽ đưa châu Âu quay trở lại với sự đánh đổi kinh điển ban đầu: Giữa kinh tế và rủi ro.
Nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc
Một trong những cách mà EU hy vọng thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng là thông qua Thỏa thuận xanh, một kế hoạch đầy tham vọng nhằm biến châu Âu trở thành lục địa trung hòa khí hậu đầu tiên vào năm 2050.
Dự án này, theo dự đoán hiện tại, sẽ tiêu tốn hơn 1 nghìn tỷ euro (1,07 nghìn tỷ USD), dự kiến đạt được bằng nhiều cách, từ trồng 3 tỷ cây mới đến cải tạo các tòa nhà để sử dụng năng lượng hiệu quả. Tất nhiên, đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo và giao thông sạch cũng sẽ đóng vai trò rất lớn.
Cột mốc quan trọng đầu tiên trong Thỏa thuận Xanh là lượng khí thải nhà kính của EU giảm 55% trước năm 2030, so với mức của năm 1990. Các nhà phê bình ngày càng lo lắng rằng tiến độ đang bị chậm trong việc đạt được mục tiêu này, bên cạnh chi phí khổng lồ cho từng quốc gia thành viên, sẽ khiến một số quốc gia phải tìm đến một nguồn đầu tư nước ngoài khác để hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng: Trung Quốc.
Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen thừa nhận nhiều kế hoạch dài hạn của EU sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn khi hợp tác với Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Rất ít người ở Brussels nói rằng mối quan hệ của EU với Bắc Kinh hiện nay là bế tắc. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen gần đây đã thay đổi quan điểm của mình về Trung Quốc, nói một cách chi tiết về sự cần thiết phải “giảm thiểu rủi ro” trong mối quan hệ của châu Âu với nước này. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng nhiều kế hoạch dài hạn của EU sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn khi hợp tác với Trung Quốc, bao gồm cả tham vọng về một “châu Âu xanh”.
Quan điểm của bà Leyen phản ánh lập trường khác nhau giữa 27 quốc gia thành viên EU. Một số nước coi Trung Quốc là “cưỡng ép về kinh tế” (ví dụ Litva) trong khi số khác coi nước này là nguồn cung cấp các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và pin giá rẻ. Số còn lại cho rằng vẫn cần hợp tác với Trung Quốc nhưng muốn tiến hành một cách thận trọng.
Một vấn đề, như một số người chỉ ra, là Trung Quốc đã biến mình thành một nước đóng vai trò chủ chốt về mặt chiến lược trong nhiều công nghệ và nguyên liệu thô quan trọng cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh.
“Trung Quốc bắt đầu chiến lược công nghiệp về năng lượng xanh khoảng 15 năm trước. Họ đã làm rất tốt điều đó, đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên như lithium để sản xuất pin, thép cho tua-bin gió và đã xây dựng năng lực sản xuất để chế tạo tất cả các thiết bị này”, Adam Bell, cựu quan chức năng lượng của Chính phủ Anh, nêu rõ.
Ông Bell lưu ý: “Trong khi đó, châu Âu do dự và giờ đây có lẽ không thể tránh khỏi việc Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong tương lai xanh của EU nếu không có hành động quyết liệt”.
Về phần mình, Velina Tchakarova, chuyên gia hàng đầu về an ninh châu Âu, nêu quan điểm: “Nguồn vốn khổng lồ của Trung Quốc cùng với việc kiểm soát một lượng lớn vật liệu thô quan trọng mang lại cho ngành công nghiệp Trung Quốc một lợi thế cạnh tranh đáng kể, điều mà các công ty châu Âu sẽ ngày càng khó bắt kịp”.
Nhiều quan chức phương Tây chỉ ra những thách thức an ninh trực tiếp hơn do Trung Quốc đặt ra nếu châu Âu cuối cùng phải dựa vào nước này để thực hiện quá trình chuyển đổi xanh, ví dụ những lỗ hổng về nguồn cung, tương tự như châu Âu đã trải qua với Nga.
Tóm lại, EU đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết vấn đề phụ thuộc vào năng lượng của Moskva và tốc độ phản ứng của họ trước cuộc xung đột Nga – Ukraine là rất ấn tượng, vì điều này từng được cho là không thể thực hiện được. Tuy nhiên, dân số đông và ngày càng già của châu Âu – kết hợp với nền kinh tế trì trệ – vẫn đòi hỏi cần một lượng năng lượng khổng lồ nếu họ muốn duy trì mức sống hiện tại.
Lãnh đạo Đức, Italy cam kết hợp tác chặt chẽ hơn về an ninh năng lượng, di cư
Ngày 8/6, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Đức Olaf Scholz đang ở thăm Rome, trong đó hai bên đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn trong việc tăng cường an ninh năng lượng và điều chỉnh hệ thống tị nạn của Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, tuyên bố của Chính phủ Italy cho biết tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các vấn đề di cư, an ninh năng lượng và các quy tắc ngân sách của EU. Hai bên cũng cam kết hợp tác hơn nữa nhằm tăng cường an ninh năng lượng qua việc nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp, đa dạng hóa các nguồn cung, xây dựng các đường ống dẫn khí đốt và hydrogen, đồng thời đẩy nhanh việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Về vấn đề di cư, Italy và Đức đã đồng ý hợp tác hướng tới cách tiếp cận chung của châu Âu để giải quyết các vấn đề di cư. Italy, từ lâu đã là tuyến đầu của làn sóng di cư từ các nước Bắc Phi và Trung Đông, với khoảng 52.000 người đã đến nước này kể từ đầu năm đến nay, đang kêu gọi các nước thành viên EU khác cùng chung tay chia sẻ gánh nặng và hạn chế sự ra đi của người di cư để "bảo vệ biên giới EU". Thủ tướng Meloni bày tỏ hy vọng có thể bảo vệ lợi ích của tất cả các quốc gia, trong đó việc đạt được một giải pháp là ưu tiên, song cũng cần phải chú ý đến quyền lợi của các nước đang phải chịu nhiều áp lực nhất.
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz nhấn mạnh rằng không nên để Italy không phải đơn độc đối phó với dòng người di cư, đối mặt với những thách thức khi số lượng người đến biên giới tăng lên. Thủ tướng Đức kêu gọi EU áp dụng cách tiếp cận đoàn kết và trách nhiệm, đồng thời cho rằng một giải pháp của châu Âu nên bao gồm "hành lang pháp lý cho những người có trình độ".
Thủ tướng Scholz cho biết các nước EU cần chia sẻ các giải pháp cho vấn đề người di cư và nhấn mạnh rằng Đức đã và đang thực hiện phần việc của mình.
Về kinh tế, hai Thủ tướng cam kết theo đuổi việc cải cách hiệp ước ổn định của EU, nhất trí đưa ra các quy tắc linh hoạt hơn trong Hiệp ước Tăng trưởng và Ổn định châu Âu (SGP), thay đổi các quy tắc lỗi thời bằng các quy tắc mới, trong đó đặt ra các giới hạn đối với thâm hụt ngân sách chính phủ và các biện pháp nợ công tính theo tỷ lệ phần trăm của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đây là cuộc gặp thứ hai của hai nhà lãnh đạo Italy và Đức sau cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại Nhật Bản. Italy là đối tác tin cậy của Đức và hai bên có quan hệ khăng khít tại các diễn đàn quốc tế. Hai thủ tướng đã nhất trí tăng cường đối thoại song phương thông qua một kế hoạch hành động chung Italy-Đức, dự kiến được xem xét tại hội nghị thượng đỉnh liên chính phủ tiếp theo ở Đức vào cuối năm nay. Hai nước đặt mục tiêu xây dựng một hiệp ước, sẽ củng cố truyền thống hữu nghị, trao đổi và làm việc chung lâu đời. Hiệp ước này, một khi được ký kết, có thể dẫn đến việc tăng cường sự hợp tác nhiều mặt, cũng như quan hệ thể chế giữa Italy và Đức.
Hệ thống 'pin nước' khổng lồ dưới chân núi Alps Thụy Sĩ vừa công bố công trình năng lượng tái tạo mới nhất: hệ thống pin nước khổng lồ. Các tuabin-bơm có tốc độ thay đổi của Nant de Drance. Ảnh: CNN Theo kênh CNN, bắt đầu hoạt động từ tháng trước, pin nước, hay còn được gọi là Nant de Drance, là một nhà máy thủy điện tích năng, có khả năng...











Tiêu điểm
Tin đang nóng
Tin mới nhất

Nga bác cáo buộc trì hoãn hòa đàm về vấn đề Ukraine

Nga lên tiếng về bản ghi nhớ hiệp ước hòa bình với Ukraine

Lính Nga sống sót cả tháng ngay trước mũi binh sĩ Ukraine

Khép lại 'chương đối đầu'

Nhóm thám hiểm người Anh quyết chinh phục đỉnh Everest trong 7 ngày

Báo động đỏ về diện tích rừng nhiệt đới bị phá hủy do cháy rừng

Thị trấn ở Mỹ cấm đi giày cao gót nếu không có giấy phép

EU đề xuất sửa đổi Quy định Bảo vệ dữ liệu chung để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ

Eurasianet: Trung Quốc thay đổi chiến lược viện trợ, lấp khoảng trống do USAID để lại ở Trung Á

Hàn Quốc: Đồng won chạm mức cao nhất trong hơn 6 tháng

Iran thu hồi bản Kinh Koran viết tay và tiền xu cổ bị đánh cắp tại bảo tàng

Nga tiết lộ về kế hoạch chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên
Có thể bạn quan tâm

Cao Viên Viên gây thương nhớ ở Liên hoan phim Cannes
Hậu trường phim
08:24:01 22/05/2025
Điều gì xảy ra khi nhiễm biến thể Covid-19 XEC?
Sức khỏe
08:06:51 22/05/2025
Cha tôi, người ở lại - Tập 42: Việt 'sốc nặng' phát hiện An - Nguyên yêu nhau
Phim việt
07:40:20 22/05/2025
Vụ nổ lớn tại Công ty SGI Vina: Lời kể của nữ công nhân
Tin nổi bật
07:35:49 22/05/2025
Nhóc tỳ "Bố Ơi, Mình Đi Đâu Thế?" sau 8 năm: Lột xác thành mỹ nhân tuổi teen khiến dân tình trầm trồ
Sao việt
07:32:01 22/05/2025
Đoàn Di Băng bể kèo bán 4000 son với Thùy Tiên, hẹn việc sốc trước khi đeo lắc?
Netizen
07:31:38 22/05/2025
Làm 4 món ăn cho bữa sáng nhanh mà ngon từ các nguyên liệu giàu protein để tăng cường hệ miễn dịch
Ẩm thực
07:24:31 22/05/2025
Nam thần Sở Kiều "quay xe", năn nỉ con gái vua sòng bạc, sợ mất cả chì lẫn chài?
Sao châu á
07:14:39 22/05/2025
Bắt nam thanh niên "nổ" có bạn gái làm luật sư để lừa đảo
Pháp luật
06:51:13 22/05/2025
Nam ca sĩ sở hữu biệt phủ 4000m2 nói thẳng: "Gia đình không phải nơi tính toán lời lỗ"
Tv show
06:04:03 22/05/2025